17/07/2020 16:06
Bánh xèo nhân củ hủ chuối ăn với rau rừng.
Ngoại đặc biệt thích bánh xèo, nên cứ dăm bữa nửa tháng, ngoại lại “mần bánh xèo cho tụi bây ăn”. Lúc đầu, nhân bánh xèo của ngoại được làm bằng củ hủ của mấy cây dừa bị đuông ăn. Lâu dần, để dưỡng vườn dừa, ông ngoại nghĩ ra nguyên liệu thay thế cho củ hủ dừa, đó là củ hủ chuối. Kể ra thì sức sống của cây chuối mới thật mãnh liệt làm sao! Chặt cây này nó liền lên cây khác, nhất là chuối hột, cây nào cây nấy to bằng cái cột đình. Nhà ngoại trồng nhiều chuối hột, một phần cũng vì lý do đó. Mỗi lần bà ngoại nói làm bánh xèo, ông ngoại lẳng lặng vác dao ra vườn, lựa cây chuối thật to chưa trổ buồng mà chặt rồi vác về cho bà ngoại. Bà ngoại lột từng lớp vỏ đến khi chỉ còn cái lõi non đụng vào là gãy, gọi đó là củ hủ chuối. Ngoại chặt củ hủ thành từng khúc chừng mười phân, xắt xuôi theo chiều dài, xếp thành từng lớp sợi trắng nõn nhìn rất đẹp mắt. Hồi đó nhà nghèo, gà vịt nuôi trong vườn chỉ để dành cho tết và đám giỗ, nhân bánh xèo của ngoại thường được làm từ thịt ếch, chuột cống nhum, chim, cò... Thịt được ngoại làm sạch, bằm nhuyễn, ướp gia vị rồi bắc lên bếp xào chín, nêm nếm lại cho vừa ăn, sau đó cho củ hủ chuối vào đảo đều đến khi vừa chín tới thì nhắc xuống. Cái mùi thơm ngọt đó len lỏi khắp nơi trong nhà, xộc vào mũi đám trẻ con đang chơi đồ hàng với mấy tàu lá chuối. Khướu giác bị tấn công, mẹ với mấy dì hít hà xí phần nước xào nhân để chan cơm, ăn lót dạ chờ đến khi bánh chín.
Bột bánh xèo ngày đó là gạo ngâm mềm rồi xay nhuyễn cùng nghệ tươi, không phải bột pha sẵn tiện dụng như bây giờ. Mỗi lần ngoại xay bột làm bánh, mẹ với mấy dì được phân công đi đào củ nghệ, nhổ hành lá, vắt nước cốt dừa, rồi nhặt trứng gà. Không biết có phải nhờ những nguyên liệu tươi, sạch hay không mà vỏ bánh xèo của ngoại luôn có màu vàng óng, mỏng tang, giòn rụm và béo ngậy.
Trong lúc mấy chị em của mẹ còn đang mải miết trầm trồ từng cái bánh mới ra lò thì ông ngoại hái về một xuồng đầy rau trái. Rau ăn kèm bánh xèo của ngoại chỉ là lá xoài, lá điều (đào lộn hột), lá vừng, lá cát lồi (mía dò), đúng mùa nước nổi còn có thêm năng bộp… tất cả đều non mơn mởn. Mẹ với mấy dì sẽ chạy xuống bến hò reo, không phải vì xuồng lá non của ông ngoại mà vì túi áo ông ngoại căng đầy trái thù lù chín mọng, trên xuồng thì có vài cây mía, mấy trái thơm tròn chín vàng rực với buồng chuối cau chín bói mấy nải liền.
Khi mọi thứ được chuẩn bị xong xuôi, ông ngoại cho mọi thứ lên xuồng, xuôi theo mấy mương liếp mang bánh xèo ra vườn cho mấy chú. Trong lúc dì Tư, dì Sáu còn phụ ngoại dọn dẹp cho gọn ghẽ, mẹ với mấy đứa em đã được chia phần, xúm xít mang ra cái chõng tre bên chái nhà hít hà thưởng thức.
Hôm nay mẹ làm bánh xèo củ hủ chuối. Tôi biết mẹ đang nhớ ngoại. Nhờ món bánh xèo nhà quê của mẹ mà cả nhà có dịp quây quần, chuyện trò rôm rả, xa cách cũng hóa gần, hờn giận hóa yêu thương. Cái vị béo của vỏ bánh, vị thơm ngọt của nhân, vị chan chát của lá xoài non, ngòn ngọt của lá cát lồi và lá gừng non cùng vị cay của nước mắm tỏi ớt… hòa quyện lại thành một thứ mùi vị mà dù có đi đâu, về đâu, cha mẹ tôi và nhiều thế hệ con cháu sau này chắc sẽ không thể nào quên được: Mùi vị của quê nhà.
Bài và ảnh: BÌNH MINH
(KGO) - Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Cá linh có thể đem chế biến nhiều món ngon, dễ làm, không tốn nhiều thời gian.
Tổng số lượt truy cập: