04/11/2021 07:45
NÓI DÂN NGHE
Ấp Kinh 2A, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) có hai tuyến đường giao thông nông thôn dọc theo tuyến kênh. Đây là hai tuyến đường huyết mạch của ấp Kinh 2A với chiều dài mỗi tuyến 5,5km, chiều ngang 2,5m. Đồng chí Nguyễn Cao Thắng - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Kinh 2A cho biết khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao và sau này là kiểu mẫu, Chi bộ ấp bàn bạc, thống nhất quyết định mở rộng hai tuyến đường nói trên từ 2,5m lên từ 4m-4,5m. “Sau khi chi bộ thống nhất, ấp đưa ra lấy ý kiến người dân. Ban lãnh đạo ấp nói rõ ý nghĩa của việc mở rộng tuyến đường để phục vụ lợi ích chung của người dân và để xây dựng nông thôn mới nâng cao, giúp đi lại dễ dàng hơn nên người dân rất đồng tình”, đồng chí Thắng cho biết.
Nói là vậy, nhưng thực tế đi vận động khó khăn hơn rất nhiều. “Khó khăn lớn nhất là kinh phí vận động trong nhân dân nhiều, tuyến đường vướng phải cây trồng, rau, màu chưa tới ngày thu hoạch nên người dân còn chần chừ chưa chịu thực hiện”, đồng chí Thắng thông tin. Để giải quyết khó khăn này, Chi bộ ấp quán triệt từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện trước. “Đảng viên làm trước, khi vận động nhân dân mới tin, mới làm theo”, đồng chí Thắng nói.
Các đảng viên phải đóng tiền trước. Tuyến đường đi ngang gia đình đảng viên nào vướng phải cây trồng, đảng viên chủ động di dời, không để nhắc nhở. Các đồng chí trong chi ủy, ban lãnh đạo ấp hàng ngày trực tiếp đến từng hộ dân, đi suốt nhiều ngày trong 6 tháng để vận động người dân hỗ trợ công nhân xây dựng đường. Ấp còn kết hợp tuyên truyền bằng loa truyền thanh của ấp, họp tổ nhân dân tự quản, các chi hội, tổ hội và kể cả nhắn tin trong group Zalo của ấp, thông qua những người có uy tín trong tôn giáo...
Ông Nguyễn Văn Hùng (sinh 1959) - người dân sống trên tuyến đường Kinh 2A cho biết: “Tuyến đường đi ngang nhà tôi khoảng 30m, tôi đóng góp khoảng 10 triệu đồng. Nhờ đảng viên, chức danh ấp đều đóng góp trước, di dời cây trồng, vật kiến trúc trước nên người dân làm theo. Theo tôi, nếu bản thân đảng viên, chức danh ấp chưa làm mà đi vận động người dân thì nói không ai nghe”.
Ở giai đoạn 1, tuyến đường hoàn thành vào cuối năm 2020, 170 hộ dân của ấp đóng góp khoảng 900 triệu đồng thực hiện, Nhà nước không phải bỏ kinh phí. Ở giai đoạn 2 đang thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2021 với khoảng 600 triệu đồng cũng do người dân đóng góp. Không riêng việc thực hiện tuyến đường này mà từ trước đến nay, hầu hết công việc ở ấp đều được lấy ý kiến thống nhất trong nội bộ. Khi đạt được sự đồng thuận, cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu làm trước, sau đó mới vận động nhân dân làm theo. Đó là bí quyết của Chi bộ ấp Kinh 2A trong việc thực hiện chủ trương lớn của cấp trên giao, nhiệm vụ chính trị và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
TẬP HỢP LÒNG DÂN
Nhiều năm qua, chủ trương lớn, phong trào thi đua, thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của Đảng bộ huyện Tân Hiệp được triển khai đạt được nhiều kết quả đáng kể, trong đó phải kể đến công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục ở cấp cơ sở. Đồng chí Nguyễn Thái Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Khối vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Hiệp A cho biết, xã vận động nhân dân thực hiện nhiều phần việc như làm cột cờ thẳng hàng, đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, tham gia bảo vệ môi trường, xứ đạo an toàn về an ninh, trật tự... “Các nhiệm vụ khi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện được Đảng ủy xã quán triệt từ cán bộ đứng đầu đến cán bộ chủ chốt đều phải nêu gương thực hiện trước”, đồng chí Toàn cho biết.
Đồng chí Nguyễn Kim Thúy - Huyện ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Huyện ủy Tân Hiệp cho biết, những cách làm hay, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục được các cấp, ngành đăng ký thực hiện trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở từng giai đoạn. Ở tất cả lĩnh vực đều có những cách làm hay như vận động hội viên nông dân giúp nhau phát triển kinh tế từ mô hình rau xanh của ấp Đông Thái, thị trấn Tân Hiệp và ấp Đông Hòa, xã Thạnh Đông B. Cách làm của hai ấp trên giúp nông dân tăng thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động, được nhân rộng ra nhiều ấp khác và các xã lân cận. Các xã Tân Hiệp A, Thạnh Trị, Tân Hội đã vận động nhân dân trồng màu trên đất ruộng, giúp nhiều người dân trên địa bàn tăng thu nhập, thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá, giàu. Hay ở hai xã Tân Hội và Tân Hiệp B vận động nuôi người già tại cộng đồng. 282 cụ già neo đơn được đóng góp tiền nuôi dưỡng hàng tháng, trị giá hàng chục triệu đồng mỗi năm...
Người dân đi lại trên tuyến đường giao thông nông thôn xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp).
“Các xã, thị trấn trong huyện đều có cách làm khác nhau trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện phần việc, nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Ở từng nhiệm kỳ, từng năm, cấp ủy, tổ chức đảng xác định nhiệm vụ cần thực hiện để đề ra cách tuyên truyền, thuyết phục khác nhau. Dù có cách thức tuyên truyền, vận động như thế nào, đảng viên cũng phải làm trước rồi mới vận động nhân dân làm theo”, đồng chí Thúy cho biết.
Theo Huyện ủy Tân Hiệp, qua công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động người dân thực hiện chủ trương, phong trào hành động cách mạng ở địa phương, góp phần giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đều đạt và vượt kế hoạch. An ninh, trật tự ở địa phương được giữ vững. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,45%. Mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng được gắn bó mật thiết hơn...
Gần đây nhất, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chính nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, Tân Hiệp là huyện duy nhất của tỉnh có số lượng cử tri đi bầu đạt 100%. Thực tế chỉ đến khoảng 10 giờ ngày 23-5, huyện có nhiều ấp như ấp Kinh 2A đạt 100% số lượng cử tri đi bầu cử. Điều này cho thấy cấp ủy nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiệm vụ chính trị của địa phương đó được hoàn thành tốt và ngược lại...
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Nữ anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với cuốn sách bất tử “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” không chỉ tới với bạn đọc nhiều nước trên thế giới, mà tên tuổi chị còn hiển hiện trong chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" để tới với các em học sinh những vùng sâu, vùng xa, những hải đảo khuất nẻo như đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).
Tổng số lượt truy cập: