10/05/2021 09:38
KHẮC PHỤC HẠN CHẾ
Năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành lập đoàn giám sát kết quả triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) tại một số công ty và địa phương trong tỉnh. Đoàn giám sát làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thủy sản AOKI, Ủy ban nhân dân (UBND) xã Giục Tượng (Châu Thành), UBND xã Tân Thạnh (An Minh), UBND huyện An Minh và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đoàn giám sát chỉ rõ Công ty TNHH Thủy sản AOKI có kết quả quan trắc nước thải đầu ra vượt quy chuẩn kỹ thuật như chỉ tiêu nitơ tổng vượt ngưỡng 2,9 lần so quy định. Vệ sinh xung quanh nhà máy của công ty có lúc xử lý chưa tốt, còn phát tán mùi hôi, làm ảnh hưởng môi trường khu dân cư. “Thời điểm này, đây là vấn đề nóng của địa phương, nhân dân nhiều lần ý kiến, kiến nghị đối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý, khắc phục”, đồng chí Trần Văn Liêm - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giục Tượng cho biết.
Đoàn giám sát chỉ rõ, UBND xã Giục Tượng chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ BVMT theo quy định; nhận thức về chủ trương, pháp luật về môi trường có mặt còn hạn chế, lúng túng trong xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong quản lý nhà nước về BVMT. Sau đó, UBND xã Giục Tượng và Công ty TNHH Thủy sản AOKI có nhiều biện pháp khắc phục hạn chế.
UBND xã thường xuyên phối hợp các ngành kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thủy sản. Năm 2020, UBND xã Giục Tượng kết hợp kiểm tra 12 doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Thủy sản AOKI cho thấy, việc chấp hành BVMT khá tốt. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp thực hiện chưa tốt phải bị xử phạt.
Chính quyền địa phương sử dụng “tai mắt” nhân dân và phân công cán bộ ấp theo dõi tình hình BVMT trên địa bàn để có phản ánh kịp thời cho UBND xã kiểm tra, nhắc nhở tổ chức, cá nhân vi phạm. Thực tế tại một số địa điểm có nhiều công ty thủy sản trên địa bàn xã Giục Tượng, vấn đề ô nhiễm môi trường được xử lý khá tốt.
Trước đây, ông Võ Văn Minh - người dân ấp Tân Điền, xã Giục Tượng và một số người dân trong ấp gửi đơn tập thể phản ánh, kiến nghị nhiều lần lên chính quyền địa phương về ô nhiễm môi trường khu vực một số công ty thủy sản trên địa bàn. “Sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát, tình hình chuyển biến rõ nét, không còn ô nhiễm như trước”, ông Minh cho biết.
Theo đồng chí Võ Minh Bảo Tâm - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Điền, nhờ công tác giám sát nên chính quyền địa phương và Công ty TNHH Thủy sản AOKI thấy rõ hạn chế để khắc phục. Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ, kịp thời nắm địa bàn, thông tin với các cơ quan chức năng trường hợp làm chưa tốt.
VẤN ĐỀ NÓNG ĐƯỢC GIẢI QUYẾT
Thông qua công tác giám sát của Ủy ban MTTQ các cấp, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức địa phương thấy rõ trách nhiệm của mình để phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. “Trước đây, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào, quy định pháp luật còn hạn chế. Tuy nhiên qua giám sát, UBND xã Giục Tượng nâng chất lượng lên rất nhiều so trước”, đồng chí Trần Văn Liêm cho biết.
Ông Võ Văn Minh (bên phải) - người dân ấp Tân Điền, xã Giục Tượng (Châu Thành) kiểm tra nước ở kênh nước mặn trước cửa nhà, nơi có nhiều doanh nghiệp thủy sản đang hoạt động.
Theo đồng chí Phạm Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức 13 đoàn giám sát; cấp huyện chủ trì tổ chức 201 đoàn, cấp xã tổ chức 914 đoàn giám sát. Đáng chú ý ở cấp tỉnh, các cuộc giám sát hầu hết liên quan đến các vấn đề được dư luận quan tâm như thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; tổ chức tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chính sách hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập...
Đặc biệt là việc giám sát giải quyết khiếu nại của 5 hộ dân về các vấn đề liên quan phần đất trong khu liên hợp thể dục - thể thao Sở Văn hóa và Thể thao. “Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, sự quan tâm của dư luận xã hội và ý kiến của cử tri, nhất là về quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân”, đồng chí Phạm Thanh Hùng cho biết.
Qua giám sát chỉ ra những mặt làm được và hạn chế của nhiều vấn đề. Điển hình như qua giám sát giúp chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở được nâng cao. Các cơ quan, đơn vị xử lý kịp thời, đúng hẹn, tránh tình trạng đơn, thư tồn đọng; kịp thời đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền khắc phục tồn tại, hạn chế và được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng thuận; kịp thời giải quyết vấn đề phức tạp phát sinh, góp phần ổn định tình hình, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: