09/06/2021 08:58
• Phát triển đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số - Bài 2: Vững niềm tin với Đảng • Phát triển đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số - Bài 1: Tăng nguồn nhân lực cho Đảng |
SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI
Đến ấp Trần Tác Chiến, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng), chúng tôi nghe nhiều cán bộ và người dân khen ngợi anh Danh Oanh Na - nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, làm lúa thường trúng mùa. Khởi nghiệp từ 10 công ruộng do cha mẹ cho, qua tích lũy hiện anh Na có 12ha lúa để canh tác, sở hữu 4 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cày. Tổng các nguồn thu nhập đem lại cho gia đình anh khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Đang kiểm tra lại máy gặt đập liên hợp để chuẩn bị cho chuyến thu hoạch lúa sắp tới, anh Na nói: “Chịu khó, siêng năng, tính toán kỹ, tiết kiệm là bí quyết làm giàu của tôi. Trong sản xuất lúa, tôi cố gắng giảm tối đa chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận”.
Giọng chân chất, anh Na kể: “Khi mới lập gia đình, tôi được cha mẹ cho 10 công ruộng. Ngoài canh tác lúa, gia đình tôi trồng rau, chăn nuôi, vừa phục vụ bữa ăn gia đình vừa bán để có thu nhập trang trải sinh hoạt. Khi lợi nhuận từ làm lúa được tích lũy, tôi đầu tư máy gặt đập liên hợp rồi máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm tăng nguồn thu”.
Trưởng thành từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, anh Na được bồi dưỡng kết nạp Đảng tháng 10-2007. Anh Na từng có 2 năm đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2020, anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Na sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân trong ấp, gương mẫu đóng góp kinh phí làm cầu, đường giao thông và ủng hộ các nguồn quỹ ở địa phương. Anh Na có hai con, trong đó người con trai vừa trở thành đảng viên chính thức.
Đảng viên Danh Oanh Na, ngụ ấp Trần Tác Chiến, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) có 2 năm đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH KINH TẾ
Sinh ra và lớn lên ở ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ (Giang Thành), tình yêu quê hương thôi thúc đồng chí Tiên Ri trăn trở, tìm tòi cách sản xuất phù hợp để có thể làm giàu ngay trên quê hương mình. Trước đây, đồng chí Tiên Ri canh tác 8 công đất ruộng do cha mẹ cho, nhưng do đất trũng, nhiễm phèn, trồng lúa cho năng suất thấp. Không nản chí trước khó khăn, đồng chí Tiên Ri quyết tâm cải tạo đất phèn, tìm hiểu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào canh tác lúa, chú trọng chọn giống lúa phù hợp thổ nhưỡng. Nhờ đó năng suất lúa ngày càng tăng.
Nếu chỉ trông chờ vào 8 công lúa sẽ khó cải thiện kinh tế gia đình, đồng chí Tiên Ri trăn trở tìm cách tăng thu nhập. “Không có vốn nhiều, tôi mua trâu về nuôi. Nuôi trâu ít tốn chi phí, thức ăn cho trâu là cỏ có sẵn ở địa phương, gia đình tôi chỉ cần bỏ công chăm sóc. Đàn trâu của gia đình có lúc lên tới 12 con, việc chăn trâu tuy cực nhưng chúng tôi cố gắng duy trì”, đồng chí Tiên Ri chia sẻ.
Hình thức mua trâu vỗ béo rồi bán giúp gia đình đồng chí Tiên Ri có thêm nguồn thu không nhỏ. Lấy ngắn nuôi dài, chắt chiu từng đồng, nguồn vốn của gia đình đồng chí ngày càng sinh sôi. “Sau nhiều năm lao động, tôi có vốn kha khá để mua thêm đất ruộng. Hiện gia đình tôi sở hữu 3ha đất, canh tác 2 vụ lúa/năm, năng suất trên 1,1 tấn/công”, đồng chí Tiên Ri cho biết.
5 năm nay, đồng chí Tiên Ri chuyển từ nuôi trâu sang nuôi bò sinh sản. Nguồn thu nhập từ lúa và bò đảm bảo cho gia đình đồng chí sống tốt, đời sống cải thiện nhiều. Sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó của đồng chí Tiên Ri khơi dậy tinh thần vượt khó của đồng bào dân tộc thiểu số xã Phú Mỹ. Hiện nhiều hộ ở xã canh tác lúa cho năng suất ngày càng tăng, có hộ mua thêm ruộng đất để mở rộng sản xuất. Thời gian qua, đồng chí Tiên Ri tích cực tham gia công tác ở ấp và hiện là Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Trần Thệ.
THAY ĐỔI CÁCH NGHĨ
“Một phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà và làm kinh tế giỏi” là nhận xét của nhiều người về đồng chí Danh Thị Hương - đảng viên, ngụ ấp Tân Khánh, xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành). Là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Khánh Hòa, khi kết thúc giờ làm việc ở cơ quan, đồng chí Hương cùng chồng chăm lo phát triển kinh tế gia đình.
Trăn trở tìm hướng đi mới để cải thiện thu nhập, vợ chồng đồng chí Hương mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 300 gốc sa pô (hồng xiêm). Gia đình đồng chí Hương là một trong những hộ dân đầu tiên tại xã Tân Khánh Hòa mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.
Không phụ công người vun trồng, đến nay vườn sa pô của gia đình đồng chí Hương cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đồng chí Hương, hiện vườn sa pô của gia đình cho thu hoạch mỗi tuần từ 150 - 200kg. Ngoài trồng sa pô, đồng chí trồng xen các loại cây ăn trái như ổi, mận, hạnh, chanh, góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất.
Vườn cây ăn trái mang về cho gia đình đồng chí Hương khoảng 30 triệu đồng/tháng. Thành công từ mô hình chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mở ra triển vọng mới cho huyện, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ở địa phương.
Đi các nơi trong tỉnh, chúng tôi thấy còn nhiều đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Có thể kể đến câu chuyện về đảng viên Danh Le Ne, ngụ ấp Tà Săng, xã Dương Hòa (Kiên Lương) nuôi tôm xen cua cho thu nhập mỗi năm 300 - 400 triệu đồng. Ở TP. Phú Quốc, chúng tôi không khỏi trầm trồ về đảng viên 30 năm tuổi đảng là đồng bào Khmer ở phường Dương Đông lợi nhuận hàng năm trên tỷ đồng từ đánh bắt hải sản và sản xuất, kinh doanh nước mắm.
Mỗi đảng viên có hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung ý chí vươn lên, tự lực là chính, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Những tấm gương này ngày càng lan tỏa, tạo niềm tin để nhân dân học tập, làm theo, góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa phương.
Bài và ảnh: TÚ LY
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: