26/04/2021 16:24
TẠO SINH KẾ CHO DÂN
Đưa chúng tôi đi trên tuyến kênh TH-6, thuộc ấp Trà Phọt, xã Phú Mỹ, đồng chí Lâm Hồng Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thông tin, hầu hết diện tích đất của khu bảo tồn đều nằm theo tuyến kênh TH-6. Tiền thân của khu bảo tồn là dự án khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương.
Dự án này được thành lập với mục tiêu bảo vệ vùng đất ngập nước tại địa phương bằng cách thực hiện một số mô hình kết hợp giữa bảo tồn và cải thiện sinh kế cho người dân. Từ khi thành lập dự án, người dân địa phương vẫn vào khai thác cỏ bàng trong vùng bảo vệ. Dự án tổ chức dạy nghề để người dân làm ra sản phẩm mỹ nghệ đẹp từ cỏ bàng, đồng thời hỗ trợ tiếp thị sản phẩm bán đến thị trường có lợi nhuận cao và xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canađa, châu Âu, Trung Đông…
Hiện có hơn 500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng với các sản phẩm chính như túi thời trang, đồ gia dụng, trang trí nội thất… Các mặt hàng đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng phù hợp thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Doanh thu từ việc bán các sản phẩm cỏ bàng ước đạt hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Thông qua dự án, làng nghề phát triển bền vững, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương, với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Đặc biệt, dự án đào tạo trên 500 công nhân thành thạo kỹ thuật đan giỏ xách, nón, may các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Giang Thành, từ hiệu quả bước đầu của dự án, ngày 5-1-2016, UBND tỉnh phê duyệt quyết định thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ. Tổng diện tích của khu bảo tồn khoảng 2.700ha, trong đó diện tích vùng lõi khoảng 940ha, vùng đệm khoảng 1.760ha và phân cấp cho địa phương quản lý.
UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý khu bảo tồn trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Khu bảo tồn được tỉnh công bố đi vào hoạt động từ tháng 7-2016. Đến ngày 3-12-2019, UBND tỉnh có Quyết định số 2743/QĐ-UBND về việc chuyển giao Ban Quản lý khu bảo tồn từ trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường về trực thuộc UBND huyện Giang Thành quản lý.
Đồng chí Vũ Đức Hiếu - viên chức Ban Quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ bên bản đồ quy hoạch khu bảo tồn.
Mục tiêu của khu bảo tồn là bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long và duy trì số lượng sếu đầu đỏ trên 100 cá thể về đây trú ngụ mỗi năm. Khu bảo tồn quản lý việc khai thác hợp lý, không làm kiệt quệ hệ sinh thái đồng cỏ, từ đó đảm bảo phát triển làng nghề truyền thống bền vững và sinh kế ổn định cho người dân; phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan làng nghề thủ công và sếu đầu đỏ; triển khai, thực hiện kế hoạch giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là trong khu bảo tồn.
BAO CHIẾM ĐẤT
Năm 2018, UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư công trình đê bao và cống đập giữ nước để quản lý tốt đất đai và bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái đồng cỏ bàng trong khu bảo tồn. Tuy nhiên, khi triển khai thi công hạng mục công trình này, một số hộ dân ra ngăn cản, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đến nay, công trình này chưa triển khai thi công được. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà, năm 2014, tình hình bao chiếm đất của các hộ dân diễn biến phức tạp. UBND tỉnh cùng các sở, ngành tổ chức nhiều cuộc họp để bàn giải pháp quản lý đất đai của dự án và thực hiện các thủ tục quy hoạch thành lập khu bảo tồn.
Thời điểm đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Giang Thành chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND xã Phú Mỹ rà soát, khảo sát hiện trạng, đồng thời lập phương án giao 31,8ha đất sản xuất cho 22 hộ dân ổn định tại chỗ. Đối với 22 hộ này, hiện đang sử dụng đất sản xuất ổn định, không còn khiếu nại.
Ngoài ra, UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao 55ha đất để có quỹ đất bố trí giao đất các hộ dân trong vùng lõi của khu bảo tồn di dời ra. UBND huyện có quy hoạch đào kênh thủy lợi và phân lô (mỗ lô 2ha) đối với phần diện tích khu đất 55ha này. UBND xã Phú Mỹ tổ chức xét duyệt đối tượng, qua khảo sát có 32 hộ dân đủ điều kiện di dời từ vùng lõi ra khu 55ha.
UBND huyện Giang Thành chỉ đạo UBND xã Phú Mỹ lập phương án giao đất sản xuất cho 32 hộ dân. Tuy nhiên, khi tiến hành giao đất ngoài thực địa (tại khu 55ha), một số đối tượng can ngăn, cho rằng đất của gia đình họ đã khai phá trước đây. Sau đó, một số hộ dân khiếu nại, UBND huyện Giang Thành đã giải quyết bác đơn khiếu nại do không có cơ sở xem xét, nhưng những hộ này vẫn không chấp hành và tiếp tục có hành vi chiếm đất.
Bài và ảnh: HUỲNH LÀI
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: