17/03/2021 10:26
NHIỀU CẤP GIẢI QUYẾT
Theo các tài liệu, chứng cứ do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thể hiện nguồn gốc đất tranh chấp giữa bà Chính và bà Liên có diện tích 11.420,9m2, thuộc thửa 218, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại ấp Suối Đá trước năm 1978 là của ông Tiêu Như Ý sử dụng cất nhà ở và lập vườn có diện tích thực tế 19.029m2.
Năm 1978, ông Ý vượt biên, Nhà nước giao Huyện ủy Phú Quốc (nay là Thành ủy Phú Quốc) quản lý toàn bộ thửa đất này. Khoảng thời gian này, Huyện ủy có giải quyết cho ông Lâm Văn Mười là cha của bà Chính, là gia đình chính sách đến ở quản lý tài liệu, chăm sóc cây trái và thu hoạch hoa lợi sẵn có.
Năm 1985, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Phú Quốc (nay là UBND TP. Phú Quốc) đã sử dụng một phần diện tích để xây dựng xí nghiệp gốm sứ. Năm 1993, xí nghiệp gốm sứ giải thể, UBND huyện Phú Quốc bán đấu giá toàn bộ tài sản xí nghiệp cho ông Huỳnh Văn Mang (đã mất), ngụ TP. Phú Quốc.
Năm 1996, ông Mười mất, ông Mang được Huyện ủy Phú Quốc lúc đó thống nhất cho mua lại toàn bộ cây trồng trên đất, từ đó bà Chính và ông Mang xảy ra tranh chấp.
Người thân anh Nguyễn Việt Dũng, ngụ ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ (TP. Phú Quốc) chỉ khu vực đất tranh chấp có diện tích 11.420,9m2, thuộc thửa 218, tờ bản đồ số 01, tọa lạc ấp Suối Đá, xã Dương Tơ.
Tại Quyết định số 488/1999/QĐ-UB, ngày 9-7-1999 của UBND huyện Phú Quốc (giải quyết khiếu nại lần đầu) và Quyết định số 128/QĐ-TTr, ngày 22-8-2000 của Chánh Thanh tra tỉnh (giải quyết khiếu nại lần hai) giải quyết tranh chấp đất đai giữa bà Chính với ông Mang, nội dung quyết định đã công nhận cho ông Mang được quyền sử dụng đất có diện tích thực tế 13.573,5m2. Diện tích 11.420,9m2 đất đang tranh chấp nằm trong diện tích 13.573,5m2.
Quyết định số 128/QĐ-TTr của Chánh Thanh tra tỉnh có hiệu lực pháp luật và được tổ chức thi hành vào ngày 6-5-2004. Xét về quá trình sử dụng đất, ông Mười được Huyện ủy Phú Quốc giao chăm sóc và thu hoạch hoa lợi sẵn có, sau khi ông Mười mất, ông Mang được Huyện ủy thống nhất cho mua lại cây trái, hoa lợi trên đất.
Tại biên bản làm việc của Thanh tra Sở Địa chính tỉnh Kiên Giang (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) với đồng chí Phạm Phú Hải - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Phú Quốc ngày 24-6-2000 thể hiện ông Mang đã nộp số tiền mua thành quả lao động trên đất với số tiền hơn 2 triệu đồng cho Huyện ủy Phú Quốc.
Sau khi ông Mang mua lại cây trái, hoa lợi trên đất, bà Chính và ông Mang liên tục tranh chấp và được giải quyết bằng Quyết định số 128/QĐ-TTr của Chánh Thanh tra tỉnh. Ngày 6-5-2004, cơ quan chức năng đã tổ chức thi hành quyết định, đồng thời bàn giao đất cho ông Mang sử dụng. Ông Mang đã làm hàng rào cắm ranh đất với bà Chính.
Việc này được đại diện Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành và đại diện bà Nguyễn Thị Bích Liên đều xác nhận đất của ông Mang và đất của bà Chính có hàng rào làm ranh. Chỉ đến năm 2015, bà Chính phá bỏ hàng rào của ông Mang để lấn chiếm đất, chặt phá cây sẵn có trên đất và trồng thêm một số cây con như dừa, chuối, khoai mì. Sự việc này đã được ban lãnh đạo ấp Suối Đá và cán bộ địa chính xã Dương Tơ lập biên bản vi phạm. Từ đó có đủ cơ sở xác định bà Chính chỉ bắt đầu lấn chiếm đất tranh chấp từ năm 2015 đến nay nên không có cơ sở chứng minh bà có quá trình trồng cây lâu năm trên đất tranh chấp từ năm 1996.
KHÔNG GIAO CẤP ĐẤT
Bà Chính cho rằng văn bản ngày 3-10-1996 của Huyện ủy Phú Quốc thể hiện phần diện tích đất vườn cây ăn trái Huyện ủy Phú Quốc đã cấp cho cha bà là ông Mười. Tuy nhiên, văn bản ngày 3-10-1996 của Huyện ủy Phú Quốc không phải là một quyết định giao cấp đất hay công nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Nội dung văn bản cũng thể hiện chỉ giao vườn cây ăn trái cho ông Mười, lò gạch cho ông Mang chứ không đề cập đến việc giao cấp đất cho ai.
Biên bản ghi lời trình bày của đồng chí Phạm Phú Hải ngày 24-6-2000 do Thanh tra Sở Địa chính lập thể hiện sau khi sự việc tranh chấp giữa bà Chính với ông Mang xảy ra, Huyện ủy Phú Quốc đã tổ chức cuộc họp. Tại cuộc họp, những người đã đưa ông Mười về ở trên phần đất tranh chấp nêu trên thừa nhận chỉ giao cho ông Mười hưởng hoa lợi trên đất chứ không giao quyền sử dụng đất.
Điều này phù hợp với nội dung quyết định giải quyết khiếu nại ngày 9-7-1999 của UBND huyện Phú Quốc nêu rõ Huyện ủy Phú Quốc có chủ trương giao cho ông Mười chăm sóc và được phép thu hoạch hoa lợi để sống đến suốt đời nhưng không giao quyền sử dụng đất cho ông Mười.
Bà Chính cho rằng sự việc tranh chấp đất đai giữa bà và ông Mang chưa được cơ quan nào giải quyết trước đây, bà không biết, không nhớ và không thừa nhận quyết định giải quyết khiếu nại ngày 9-7-1999 của UBND huyện Phú Quốc và Quyết định số 128/QĐ-TTr, ngày 22-8-2000 của Chánh Thanh tra tỉnh.
Tuy nhiên, qua hồ sơ giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai giữa bà Chính và ông Mang do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thể hiện ngày 13-9-1999 bà Chính là người có đơn khiếu nại yêu cầu UBND tỉnh xét lại quyết định giải quyết khiếu nại ngày 9-7-1999 của UBND huyện Phú Quốc.
Diện tích đất 11.420,9m2, thuộc thửa 218, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại ấp Suối Đá được ông Huỳnh Văn Mang chuyển nhượng quyền sử dụng cho Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành. Sau đó, công ty chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Bích Liên, bà Liên chuyển nhượng cho anh Nguyễn Việt Dũng (sinh 1991), ngụ ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ. Quá trình tranh chấp, hai ngôi mộ, trong đó có một ngôi mộ nghi là giả đã xuất hiện trên phần đất 11.420,9m2. |
Biên bản ghi lời trình bày của bà Chính do Thanh tra Sở Địa chính lập ngày 27-8-2002 thể hiện nội dung bà Chính không đồng ý thi hành Quyết định 128/QĐ-TTr của Chánh Thanh tra tỉnh. Mặt khác, qua biên bản xác minh ngày 27-4-2020 của Tòa án nhân dân tỉnh đối với đồng chí Dương Văn Toàn - nguyên Phó Chánh Thanh tra huyện Phú Quốc, là thành viên thuộc đoàn đo đạc, cắm mốc ranh giới đất giữa bà Chính và ông Mang để tổ chức thi hành Quyết định số 128/QĐ-TTr của Chánh Thanh tra tỉnh, khi tiến hành đo đạc, cắm mốc, bà Chính và ông Mang đều có mặt. Việc đo đạc, cắm mốc hoàn thành, ông Mang, bà Chính đều ký tên vào biên bản.
Trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, toàn bộ yêu cầu của bà Chính đều bị Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh bác bỏ. Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh buộc bà Lâm Thị Chính phải di dời toàn bộ tài sản, cây trồng ra khỏi diện tích 11.420,9m2 đất tranh chấp.
Bài và ảnh: CÔNG NINH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: